Tạp chí Forbes đã bình luận như vậy trước hiện tượng chiếc Rolls-Royce Ghost có giá 257.000 USD tại Mỹ nhưng khi đến Trung Quốc thành 688.500 USD.
"Không nên nhầm lẫn khi nhìn vào giá bán. Sự khác biệt là do thuế", giám đốc điều hành của Rolls-Royce, Torsten Mueller-Oetvoes thốt lên. Và không chỉ có Rolls-Royce, nhiều mẫu xe sang khác cũng có giá thường là gần gấp đôi khi bán ra tại Trung Quốc. Như một chiếc Mercedes E-class có giá 70.000 USD tại Trung Quốc thì ở Mỹ chỉ là 48.000 USD. Hay Mini Cooper ở Mỹ là 52.500 USD khi đến tay khách hàng Trung Quốc sẽ là 85.000 USD.
Thực tế, thuế nhập khẩu đánh vào xe hơi ở Trung Quốc cao vượt cả những thị trường lớn khác như Mỹ, châu Âu, Trung Đông và Nga. Ngoài ra còn có những thuế và phí khác phải thêm vào để có được giá bán lẻ cuối cùng. Trong khi đó, "không có sự khác biệt lớn giữa một chiếc xe bán ra tại Trung Quốc và một chiếc bán ra tại Mỹ hay Trung Đông về mặt lợi nhuận", vị giám đốc điều hành của hãng siêu sang khẳng định.
Hiện là thị trường ôtô lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, nhưng Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm ngôi đầu vào cuối năm nay. Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất của Rolls-Royce trong năm 2011 trước khi bị Mỹ soán ngôi vào năm 2012. Hiện thương hiệu thuộc hãng mẹ BMW có 16 đại lý tại Trung Quốc và sẽ mở thêm 4 đại lý vào cuối năm nay.
Theo những con số vào năm 2011, ở Trung Quốc có khoảng 200 triệu xe lưu hành. Đến đầu năm 2012, chính phủ ban hành những quy định mới về thuế để khuyến khích sử dụng xe có động cơ loại nhỏ nhằm giảm khí thải và lượng nhiên liệu tiêu thụ. Mức thuế mới cũng như phí sử dụng hàng năm được đánh tùy theo dung tích động cơ.
Trong vòng một thập kỷ, từ 2001 đến 2010, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm về xe hơi tại Trung Quốc là 24%. Sau khi gia nhập WTO, quốc gia này nới lỏng chính sách hạn chế đầu tư nước ngoài. Các sản phẩm mới ồ ạt xuất hiện. So với khoảng 20 thương hiệu trước khi vào WTO, hiện có khoảng 500 thương hiệu với hơn 5.000 mẫu xe được bán tại Trung Quốc.
Thị trường xe nhập khẩu, một phần quan trọng của thị trường xe hơi Trung Quốc, cũng tăng trưởng với nhu cầu hàng triệu chiếc. Thị phần xe nhập tăng vọt. Và dù lãnh địa này vẫn còn khá khép kín do chính sách riêng, nhưng dưới "triều đại" WTO, mọi thứ đã có chuyển biến rõ rệt.
Trong năm 2011, tổng số xe nhập là hơn một triệu chiếc, với 58% là xe SUV hạng sang. Trung Quốc cũng trở thành thị trường lớn của phân khúc xe sang, với dự kiến đạt 2,7 triệu xe bán ra mỗi năm tính đến 2020 và soán ngôi Mỹ.
Mức thuế dành cho xe nhập khẩu vào Trung Quốc là 25% với mọi loại xe, trong khi xe nhập vào Mỹ chỉ chịu mức thuế 5%. Ngoài ra còn có 17% thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt tùy thuộc vào dung tích động cơ (dao động từ 1% đến 40%). Ví dụ một mẫu xe nhập với động cơ 4.0 hoặc lớn hơn, nếu giá gốc (CIF - cost, insurance and freight) là 163.000 USD thì giá sau thuế là 233.000 USD.
Vậy ai có lợi nhiều nhất trước bức tường thuế cao ngất ngưởng ở Trung Quốc? Theo tạp chí Forbes, phần lớn là các hãng nước ngoài và các đối tác Trung Quốc của họ. Top 10 hãng xe ở Trung Quốc đều là liên doanh giữa các hãng đa quốc gia và các doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ 3 cái tên: BYD, Cherry và Geely. Trong đó top 5 gồm: Shanghai Volkswagen, FAW Volkswagen, Shanghai GM, Beijing Hyundai, và Dongfeng Nissan.
Top 10 xe bán chạy nhất 2011 tại Trung Quốc đều có sự tham gia của các hãng nước ngoài, trừ một mẫu của Tianjin Xiali. Những liên doanh đều có khả năng bán xe với giá cao hơn và thu lãi hàng trăm triệu đô. Năm 2010, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của General Motors với doanh số 2,35 triệu xe, so với 2,21 triệu xe tại Mỹ. Đến 2011, GM đạt kỷ lục lợi nhuận 7,6 tỉ USD, trong đó 20% do các liên doanh Trung Quốc đóng góp.
Với mức thuế cao đánh vào xe nhập, hàng triệu khách hàng Trung Quốc với thu nhập chỉ đủ sống lại bị đánh thuế để cho các cổ đông rủng rỉnh tiền túi của các hãng đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp nhà nước giàu có. Forbes gọi đó là "lấy của người nghèo chia cho nhà giàu".